Vơi đầy nỗi lo
Có mặt tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, chúng tôi được chứng kiến nỗi lo âu hằn trên nét mặt của người dân khi cái tin: Một ngày không xa, dăm gỗ - loại sản phẩm rừng trồng chủ lực sẽ bị tăng thuế xuất khẩu, cao nhất có thể lên tới 20%. Ông Phạm Ngọc Hà, trú tại đội 3, xã Đoan Lý thở dài: “Tôi thế chấp nhà đất ngân hàng vay 300 triệu đồng từ năm 2009, tưởng lứa gỗ đầu tiên này thu được trên trăm triệu đồng để vừa trả nợ vừa bù cho lứa lợn chết dịch, nào ngờ đổ bể hết rồi”. Một cán bộ xã đi theo đoàn khảo sát cũng lắc đầu ngao ngán. Cả xã có chừng 600 hộ trồng rừng, chủ yếu bán làm dăm gỗ theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, nay doanh nghiệp (DN) bị tăng thuế cao như thế thì ai còn tiêu thụ nữa”.
Tâm trạng này, chúng tôi cũng được chứng kiến tại một dự án đầu tư dang dở ở KCN Hòn La, tỉnh Quảng Bình. Ông chủ nhà máy có trụ sở tại đây cho biết: “Chúng tôi nhận được giấy phép đầu tư của UBND tỉnh năm 2012 và đang tiến hành xây dựng nhà máy với mục tiêu xuất khẩu băm dăm và chế biến sâu sản phẩm rừng trồng như đồ mộc dân dụng, ván thanh xuất khẩu. Nhưng tình hình này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch kinh doanh: Thứ nhất, thuế xuất khẩu (XK) cao thì DN không thể mua gỗ rừng trồng của người dân vì không có lãi. Người dân đã phải trả tiền thuê đất sản xuất hàng năm, nay lại phải chịu thuế cao sẽ không mặn mà với việc trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Thứ hai: Chính sách ban hành và áp dụng không có lộ trình nhất định làm cho các Cty không thể chuyển đổi kịp công nghệ sản xuất tiến tới sản phẩm không có sức cạnh tranh và thua ngay trên sân nhà là điều tất yếu”.
Dăm gỗ là đầu ra chủ lực cho việc phát triển cây lâm nghiệp, phủ xanh đất trống đồi trọc của người dân. Ảnh: Huy Hoàng
Cội nguồn sự trăn trở
Trong những năm qua, sản phẩm gỗ được băm dăm XK đã trở thành cứu cánh cho 3 triệu ha rừng trồng của người nông dân cả nước với giá trị XK không ngừng tăng. Năm 2011 đạt 5,4 triệu tấn, tăng lên 6,2 triệu tấn vào năm 2012 (với kim ngạch hơn 830 triệu USD), Việt Nam trở thành nhà cung cấp dăm gỗ lớn nhất thế giới trong năm 2013 với các thị trường chủ yếu như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Mặc dù bán được với giá cao nhưng cũng đã tạo nên sự bất cân đối trong phát triển công nghiệp rừng khi phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu cho sản xuất giấy và ván nhân tạo. Bên cạnh đó, lối mở để hạn chế tình trạng xuất thô nguyên liệu này là các nhà máy sản xuất bột giấy (lớn nhất là nhà máy An Hòa – Tuyên Quang có công suất 130.000 tấn/năm) cũng đang trong tình trạng phát triển chậm, năng lực tài chính thấp, đầu tư thiếu đồng bộ, Cty lớn nhất còn bị Thanh tra Bộ TN – MT phát hiện việc xả thải trái phép ra môi trường. Nếu như Bộ Tài chính thực hiện việc nâng mức thuế lên tới 20% thì hàng loạt vấn đề bất hợp lý đã xuất hiện, phát sinh xung quanh vấn đề này.
Thứ nhất, mỗi năm sản lượng khai thác rừng trồng là 40 triệu tấn gỗ cây nguyên liệu. Nếu tính cả các nhà máy sản xuất ván nhân tạo, ván MDF và bột giấy thì mới chỉ tiêu thụ được 3,3 triệu tấn/năm. Vậy hơn 36 triệu tấn còn lại, ai sẽ tiêu thụ cho nông dân?
Thứ hai, giá mua của các Cty sản xuất bột giấy cho người dân chỉ từ 600.000 - 700.000 đồng/tấn gỗ tươi, mà mỗi năm chỉ thu mua từ 2-3 tháng. Trong khi các Cty XK gỗ dăm mua cho nông dân với giá từ 1-1,1 triệu đồng/tấn, thu mua quanh năm. Điều này thể hiện ai là người mang lại lợi ích cho nông dân.
Thứ ba, đáng lo ngại nhất là những hệ lụy sẽ đến với việc vận hành chính sách này: Người trồng rừng không tiêu thụ được sản phẩm buộc phải bán rẻ, bán non những diện tích rừng đã trồng. Trong khi đó, các DN cũng không thể cạnh tranh với các “đối thủ” trong khu vực ASEAN do họ được áp dụng thuế suất theo đúng chuẩn quốc tế là 0%, trong khi DN Việt Nam lại phải cõng thêm cả chục % thuế. Rõ ràng, khi DN bí đầu ra thì người trồng rừng cũng sẽ “điêu đứng” với những khoảnh rừng đã đầu tư.
Làm gì để không xáo trộn
Ông Nguyễn Tôn Quyền – Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và giấy nhận định: Các DN sản xuất, XK dăm gỗ đều bày tỏ sự đồng thuận với việc hạn chế dần XK nguyên liệu thô bằng giải pháp thuế. Điều này cũng đã được Bộ Công Thương đề cập tại Công văn số 1716 ngày 4-3-2013 gửi Bộ Tài chính ủng hộ việc tăng thuế “theo lộ trình”. Đây là điều mà người dân cũng như các DN mong muốn nhất, bởi việc lập, thực hiện, thẩm định dự án đầu tư chuyển đổi công nghệ trị giá hàng trăm tỷ đồng quả là một vấn đề không đơn giản và thực hiện “ngày một, ngày hai” được. Do vậy họ hết sức ái ngại trước nguồn tin từ Hiệp hội là: Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư quy định mức thuế suất mới áp dụng ngay vào thời điểm tháng 10-2013 theo đề xuất của Vụ Chính sách thuế. Một chủ DN cảnh báo: Hậu quả sẽ đổ lên đầu nông dân, bởi vì thuế suất tăng đột ngột đồng nghĩa với việc DN thua lỗ không tiếp tục mua hàng, trong khi các DN sản xuất bột giấy cũng đang trong tình trạng không có lãi, chưa đủ tiềm lực mua hết sản phẩm rừng tồn của người dân. “Theo tôi, khi quan điểm của các Bộ đã thống nhất, DN đã đồng thuận thì để giữ vững vị thế đã đạt được, cơ quan thuế cũng không có lý do gì để vội cả, mức thuế nên được nâng lên 5% và áp dụng sau khi Thông tư ban hành 1 năm là giải pháp hợp lý nhằm giúp các Cty có thêm thời gian, huy động nguồn lực đầu tư để sẵn sàng và vững vàng khi ra biển lớn” – ông Quyền đề xuất.
Huy Hoàng(PL&XH)